Ung thư niêm mạc tử cung (hay còn có tên gọi khác là ung thư nội mạc tử cung) là tình trạng tế bào ung thư khởi phát tại tử cung hay dạ con. Tử cung bao gồm lớp niêm mạc tử cung và lớp cơ. Tại Việt Nam, theo GLOBOCAN 2020, mỗi năm có 5.354 ca mắc mới và 1.319 ca tử vong, đứng hàng thứ 11 về tỷ lệ mắc. Hơn 75% bệnh nhân mắc ung thư niêm mạc tử cung là người đã mãn kinh, thường gặp ở độ tuổi từ 55 tuổi trở lên. Chỉ có 5% trường hợp mắc dưới 40 tuổi. Nguy cơ mắc bệnh tăng ở những người béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường hay có các chu kỳ không phóng noãn.
Bệnh nhân Bùi Thị D, 70 tuổi ở Tiên Lãng, Hải Phòng vào viện với triệu chứng ra máu âm đạo bất thường mặc dù đã mãn kinh nhiều năm. Qua tìm hiểu, được biết tình trạng này của bệnh nhân đã xuất hiện một khoảng thời gian khá lâu, bệnh nhân cũng đã tới nhiều cơ sở y tế nhưng đều không tìm được nguyên nhân bệnh. Sau khi siêu âm phát hiện trong buồng tử cung của bệnh nhân có lớp dịch dày 36mm, đồng thời phát hiện một tổ chức khối bất thường xân lấn vào trong buồng tử cung kích thước 19x23mm. Dựa trên thăm khám và kết quả siêu âm, PGS.TS Nguyễn Văn Học đã chẩn đoán sơ bộ ban đầu bệnh nhân có khả năng mắc ung thư niêm mạc tử cung, chưa rõ giai đoạn. Để có thể đưa ra chẩn đoán chắc chắn nhất, cần phải tiến hành hút buồng tử cung lấy mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm sinh thiết. Tuy nhiên, hiện tại sức khoẻ của bệnh nhân chưa thích hợp để có thể làm thủ thuật do bệnh nhân đã lớn tuổi, hơn nữa tình trạng cao huyết áp đang rất nặng và chảy máu âm đạo. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Văn Học đã chỉ định trước hết cần điều trị tình trạng cao huyết áp của bệnh nhân trước, đợi huyết áp bệnh nhân ổn định sẽ thực hiện phẫu thuật ngay. Vì nếu đúng như chẩn đoán sơ bộ của bác sĩ Học, phẫu thuật càng sớm sẽ càng có lợi cho sức khoẻ và đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân D.
Sau 4 ngày điều trị nội khoa, nhận thấy huyết áp của bệnh nhân đã ổn định, PGS.TS Nguyễn Văn Học đã lập tức chỉ định làm phẫu thuật ngay cho bệnh nhân. Kết quả không ngoài dự đoán, buồng tử cung của bệnh nhân tồn tại một tổ chức sùi loét, xâm lấn tới ½ ngoài lớp cơ tử cung. Ekip phẫu thuật đã tiến hành cắt hoàn toàn tử cung và hai phần phụ của bệnh nhân để đảm bảo khối u không lan rộng thêm. Hậu phẫu, bệnh nhân hồi phục rất tích cực. Tổ chức khối u sau khi được cắt bỏ được gửi ngay để làm xét nghiệm sinh thiết.
Dựa trên kết quả sinh thiết, PGS.TS Nguyễn Văn Học kết luận bệnh nhân bị ung thư niêm mạc tử cung giai đoạn II. Tuy nhiên, do được xử lý nhanh chóng, cắt bỏ triệt để giảm tối đa khối lượng tế bào ung thư nên phần nào giúp căn bệnh “hiểm nghèo” của bệnh nhân giảm mức độ nghiêm trọng, là bước bổ trợ cho quá trình điều trị về sau, giúp tăng khả năng sống sót và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Sau 7 ngày điều trị phục hồi, sức khoẻ của bệnh nhân đã ổn định và được ra viện. Chia sẻ với chúng tôi, bệnh nhân D xúc động nói: “Thật sự tôi và gia đình rất biết ơn y bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng và đặc biệt là PGS.TS Nguyễn Văn Học. Nhờ có sự giúp đỡ và chăm sóc tận tình của các y bác sĩ mà căn bệnh bao lâu nay không tìm ra nguyên nhân của tôi đã được xử lý. Tuy chặng đường phía trước còn rất dài nhưng tôi đã lạc quan và vững tin hơn”.
Qua trường hợp của bệnh nhân D, PGS.TS Nguyễn Văn Học cũng khuyến cáo chị em phụ nữ nếu phát hiện triệu chứng bất thường như ra máu âm đạo sau mãn kinh nên nhanh chóng đi khám chuyên khoa, đặc biệt là tầm soát ung thư nội mạc tử cung. Đối với phụ nữ cao tuổi khi phát hiện bệnh càng phải điều trị sớm khi nền tảng sức khỏe còn tốt, tránh để lâu, ung thư diễn biến phức tạp kèm theo nhiều bệnh lão khoa, phẫu thuật gây mê hồi sức khó khăn, nguy cơ tai biến nhiều hơn.
Tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng, đặc biệt là khi PGS.TS Nguyễn Văn Học về công tác tại bệnh viện, kỹ thuật phẫu thuật ung thư nội mạc tử cung đã được làm chủ, hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu bệnh ở giai đoạn sớm, giúp kéo dài thời gian sống thêm cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Leave a reply
Leave a reply