![](https://quoctesannhihaiphong.vn/wp-content/uploads/2021/09/z2760142955028_5cecb8e2f88b23ec70faf23eda2f7530-670x446.jpg)
Chỉ trong một tuần vừa qua, Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng ghi nhận liên tiếp các trường hợp bệnh nhi bị động vật, cụ thể là chó tấn công gây thương tích.
Đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp bệnh nhi Nguyễn Văn T, 10 tuổi. Qua khai thác bệnh sử từ gia đình bệnh nhi, được biết tai nạn đáng tiếc xảy ra khi bệnh nhi đang chơi cùng bạn gần nhà. Bệnh nhi đột ngột bị chó lớn nhà hàng xóm tấn công dữ dội, may mắn gia đình chủ kịp thời chạy tới ngăn cản và đưa bệnh nhi tới cơ sở y tế gần nhà sơ cứu vết thương, sau đó chuyển ngay Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng cấp cứu. Qua thăm khám, BSCKII. Nguyễn Duy Tuấn – Trưởng khoa Ngoại Nhi cho biết bệnh nhi bị nhiều tổn thương, đặc biệt là trên mặt. Ngoài ra, trong quá trình bị tấn công, do bệnh nhi chống tay mạnh xuống đất dẫn tới gãy xương cánh tay trái. Bên cạnh thương tích trên cơ thể, tinh thần bệnh nhi cũng chịu tổn thương, hoảng loạn, sợ hãi và khóc liên tục. Bệnh nhi ngay lập tức được tiêm mũi vaccine phòng dại, xử lý tổn thương tại tay trái và nhập viện theo dõi và điều trị. Để giúp bệnh nhi ổn định tinh thần, hợp tác với bác sĩ để quá trình điều trị được thuận lợi, BSCKII. Nguyễn Duy Tuấn cùng các điều dưỡng đã trấn an, động viên tinh thần bệnh nhi và gia đình rất nhiều. Hiện tại, tình trạng sức khoẻ bệnh nhi đã dần ổn định, dự kiến sẽ sớm được ra viện.
BSCKII Nguyễn Duy Tuấn – Trưởng khoa Ngoại Nhi cho biết, thời gian gần đây, Bệnh viện liên tục tiếp nhận và cấp cứu nhiều bệnh nhi bị chó tấn công. Rất nhiều trường hợp bệnh nhi bị chó cắn đều là do vật nuôi trong nhà hoặc vật nuôi của nhà hàng xóm. Các đối tượng trẻ bị chó tấn công chủ yếu trong độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi, chưa có kỹ năng phòng vệ cho bản thân. Đây là hồi chuông báo động về tình trạng nuôi nhốt chó không đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm tới con người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Trên thực tế, đã có những trường hợp trẻ tử vong vì gia đình chủ quan, không đưa bé tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn do cho rằng đó chỉ là vết thương nhỏ, không đáng ngại.
Qua trường hợp của bệnh nhi T, bác sĩ khuyến cáo các vị phụ huynh cần quan tâm sát sao tới các bé. Khi không may bị chó cắn, cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhi đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm phòng vaccine và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Đặc biệt, cần tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y để phòng ngừa nhiễm bệnh và truyền cho con người, dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
Để có thể hỗ trợ nhanh chóng và chu đáo nhất cho Quý khách hàng, Bệnh viện xin cung cấp hotline Cấp cứu: 0225.3555.115. Hotline hoạt động 24/7, bất cứ khi nào Quý khách hàng liên hệ, sẽ có nhân viên y tế luôn sẵn sàng hỗ trợ ngay lập tức.
Leave a reply
Leave a reply