Thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm thường xuất hiện dịch bệnh thủy đậu ở trẻ em. Đây là bệnh truyền nhiễm nhưng lành tính, không có triệu chứng nặng nề, tuy nhiên rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc phỏng nước, có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não…. nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Đặc biệt trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh khi mắc thủy đậu rất dễ gặp những biến chứng khó lường. Vì vậy việc ba mẹ nhận biết được biểu hiện bệnh sớm, theo dõi dấu hiệu trở nặng để đưa con đến cơ sở y tế điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết. Dưới đây là những thông tin hữu ích được các chuyên gia cung cấp về bệnh thủy đậu, ba mẹ cùng tìm hiểu nhé!
Các biểu hiện của bệnh thuỷ đậu:
– Giai đoạn tiền triệu chứng thường kéo dài 1-2 ngày trước khi xuất hiện ban. Người bệnh mệt mỏi, sốt từ 37,8°-39,4°C.
– Ban trên da xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra tất cả các vùng khác trên cơ thể.
– Ban lúc đầu có dạng dát sẩn, tiến triển đến phỏng nước trong vòng vài giờ đến một vài ngày; Phần lớn các nốt phỏng có kích thước nhỏ 5-10 mm, có vùng viền đỏ xung quanh. Các tổn thương da có dạng tròn hoặc bầu dục; vùng giữa vết phỏng dần trở nên lõm khi quá trình thoái triển của tổn thương bắt đầu.
– Các nốt phỏng ban đầu có dịch trong, dạng giọt sương, sau đó dịch trở nên đục; nốt phỏng bị vỡ hoặc thoái triển, đóng vảy; vảy rụng sau 1 đến 2 tuần, để lại một sẹo lõm nông.
– Ban xuất hiện từng đợt liên tiếp trong 2-4 ngày; trên mỗi vùng da có thể có mặt tất cả các giai đoạn của ban – dát sẩn, phỏng nước và vảy.
Cách phòng ngừa bệnh thuỷ đậu ở trẻ nhỏ:
– Tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế
– Tránh tiếp xúc với người bị thuỷ đậu hoặc Zona
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng cá nhân riêng, vệ sinh mũi và họng hàng ngày bằng các loại dung dịch nước muối sinh lý.
– Vệ sinh nơi ở, nơi học tập và vật dụng sinh hoạt hằng ngày bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.
Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh thuỷ đậu:
– Trẻ cần được vệ sinh da sạch sẽ để tránh bội nhiễm vi khuẩn.
– Cho trẻ nằm trong phòng riêng, thông thoáng, có ánh sáng mặt trời.
– Khi các nốt thủy đậu bị vỡ thì có thể dùng nước oxy già rửa, dùng bông vô trùng thấm khô.
– Vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý.
– Bổ sung thêm vitamin C; cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.
– Trường hợp trẻ sốt cao, có thể cho trẻ dùng các thuốc hạ sốt giảm đau theo liều lượng chỉ dẫn.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ba mẹ hiểu hơn về bệnh thuỷ đậu, từ đó chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ nhỏ. Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường, ba mẹ cần đưa ngay đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Trung tâm Nhi khoa Quốc tế – Bệnh viện Quốc tế Sản nhi Hải Phòng với đội ngũ bác sĩ dày dạn kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại luôn sẵn sàng tiếp nhận khám, chẩn đoán, điều trị các bệnh lý liên quan đến nhi khoa ở trẻ. Ba mẹ có nhu cầu đưa con đến thăm khám vui lòng liên hệ qua HOTLINE: 0225 395 9999 nhé!
Leave a reply