Sản phụ bị sốt xuất huyết/ suy tim sau phẫu thuật tim bẩm sinh, phù phổi cấp sau sinh được các bác sỹ liên chuyên khoa Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng xử trí thành công, cứu sống được cả mẹ và em bé.

Ngày 15/08/2019, tại Khoa sản 1, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng vừa tiếp nhận một sản phụ nhập viện để theo dõi bệnh tim mạch và chờ sinh. Sau khi nhập viện2 ngày, sản phụ xuất hiện tình trạng khó thở và sốt nhẹ, tim thai nhanh 190-200 nhịp/phút. Đặc biệt, sản phụ có tiền sử tim bẩm sinh, đã được mổ vá thông liên nhĩ, thông liên thất, sửa van 2 lá, sửa van 3 lá từ lúc 7 tuổi ở Hàn Quốc, vẫn có hồ sơ điều trị ở Bạch Mai và bệnh nhân đã từng trải qua 1 lần sinh mổ.

Nhận định đây là trường hợp khẩn cấp: Suy thai ở bệnh nhân suy tim do bệnh tim bẩm sinh và hẹp hở hai lá;các bác sỹ khoa Sản 1 hội chẩn với các bác sĩ Tim mạchcủa Bệnh viện Tim Hà Nội, Gây Mê Hồi Sức và bác sĩ Nhi sơ sinh, quyết định tiến hành mổ đẻ cho sản phụ, kịp thời cứu lấy thai và giảm gánh nặng tim cho mẹ. Quá trình ca mổ diễn ra tốt đẹp, em bé nặng 2000 gr đã chào đời được đưa vào lồng ấp và chăm sóc đặc biệt.

Mọi chuyện tưởng chừng đã ổn cho đến 10 tiếng sau mổ, sản phụ xuất hiện khó thở dữ dội, ho ra dịch hồng. Các bác sĩ đã chẩn đoán sản phụ bị phù phổi cấp trên bệnh nhân sau mổ đẻ có hẹp hở 2 lá – tim bẩm sinh. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển ngay xuống Khoa Hồi sức cấp cứu và được hội chẩn với các bác sỹ tim mạch của bệnh viện.

Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân được cấp cứu kịp thời bằng cách thở máy không xâm nhập, lợi tiểu. Sau 24 tiếng, đã dừng thở máy chuyển sang thở ô xi gọng kính. Tuy nhiên, ở đây bệnh nhân vẫn sốt. Bệnh nhân được chăm sóc tích cực, làm thêm các thăm dò chẩn đoán và xác định có bệnh sốt xuất huyết Dengue. Những ngày sau đó, bệnh nhân tiếp tục sốt cao liên tục, tiểu cầu giảm từ 198 xuống 54 G/l…. và có biểu hiện chảy máu mũi – tình huống rất nguy hiểm đe doạ tính mạng người bệnh, do xuất hiện trên sản phụ vừa mổ đẻ, sẽ có nguy cơ chảy máu sau đẻ nặng nề. Nhận định đây là trường hợp nguy cấp, các bác sỹ đã nhanh chóng điều trị tích cực theo phác đồ: Bù nước điện giải, truyền Amumin lên trên 30 G/L, theo dõi sát biến động của tiểu cầu để bù kịp thời. Đặc biệt, trường hợp bù albumin và dịch truyền ở đây là trái ngược theo phác đồ điều trị của suy tim có phù phổi cấp, nên phải bù rất thận trọng và đòi hỏi bác sĩ Hồi sức cấp cứu phải là người có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và theo dõi sát sao người bệnh. Nếu không bù thận trọng thì bệnh nhân rất dễ bị tái phát phù phổi cấp ( nếu truyền nhiều) hoặc truỵ mạch do sốt xuất huyết (nếu truyền ít).

Cũng chính tại đây, đội ngũ các bác sỹ liên chuyên khoa của Bệnh viện gồm:Hồi sức cấp cứu, Sản, Gây Mê, Tim mạch cùng các chuyên gia bệnh viện tuyến Trung ương đã cùng hội chẩn, hợp sức tiến hành hỗ trợ và xử trí kịp thời cho sản phụ. Cho đến hiện tại, bệnh nhân đã hết sốt, hết chảy máu, tiểu cầu đã trở lại bình thường 273 g/l, sức khỏe dần hồi phục. Có thể nói, thành công của ca bệnh chính là sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa các liên chuyên khoa của bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng và sự hỗ trợ kịp thời từ các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Tim Hà Nội.

Nhờ sự phối hợp của nhiều chuyên khoa; sự đồng lòng cứu chữa của các bác sĩ bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng và các chuyên gia hàng đầu Hà Nội cùng theo dõi, điều trị, chăm sóc; sản phụ không những vượt cạn thành công mà còn đáp ứng điều trị tốt. Từ đó góp phần khẳng định, việc phối hợp đa chuyên khoa chặt chẽ cùng sự hợp tác sâu rộng với đội ngũ chuyên gia đầu ngành tại các bệnh viện tuyến Trung ương, người bệnh tại bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng luôn nhận được sự chăm sóc, điều trị hiệu quả, toàn diện và an toàn nhất.

Leave a reply