Trong những tháng gần đây, Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng đã tiếp nhận rất nhiều ca viêm phổi thuỳ, viêm phổi tập trung. Số lượng bệnh nhân viêm phổi thùy tăng lên đột biến, nhiều bệnh nhân nặng, tổn thương phổi nhiều. Trung bình Bệnh viện đều tiếp nhận 2-3 bệnh nhi viêm phổi thùy cần nhập viện mỗi ngày. Nhiều ngày lên đến 6-7 bênh nhân. Các bệnh nhân thường từ 5 tuổi trở lên, hay gặp nhất là 8-9 tuổi.

viêm phổi thuỳ
Đặc điểm của các trẻ thường là ho kéo dài kèm sốt cao, uống các đơn kháng sinh tại phòng khám tư nhưng không đỡ, khi chụp phổi mới phát hiện là viêm phổi thùy. Một số bệnh nhân nhập viện với biểu hiện sốt cao liên tục, sốt rét run, thậm chí có bệnh nhân co giật do sốt cao, ho nhiều kéo dài, tổn thương phổi nặng: viêm diện rộng 1 bên phổi hoặc viêm 2-3 thùy của phổi (trên phim CT lồng ngực). Có rất nhiều bệnh nhân, khi xét nghiệm phát hiện nguyên nhân là do vi khuẩn không điển hình – là những vi khuẩn không có vách tế bào nên không đáp ứng với các kháng sinh thông thường.

Bệnh có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng như apces phổi, tràn dịch màng phổi và đặc biệt là nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, bệnh viêm phổi thùy được phát hiện sớm và điều trị tích cực có thể khỏi mà không để lại di chứng gì.

Các nguyên nhân gây viêm phổi thùy bao gồm:

  • Vi khuẩn: thường gặp nhất là phế cầu, các loại vi khuẩn khác như liên cầu, tụ cầu, heamophilus influenza … Ở trẻ lớn thường gặp các vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma pneumoniae, legionella pneumoniae, chlamydia pneumonia
  • Virus: cúm, sởi, ho gà ….
  • Ký sinh trùng
  • Các yếu tố thuận lợi gây bệnh: thời tiết lạnh, giao mùa, người cơ thể suy yếu, suy giảm miễn dịch…..

Biểu hiện của viêm phổi thùy:

  • Sốt cao 39 – 40 độ kèm rét run, sốt đáp ứng kém với thuốc hạ sốt
  • Đau ngực: đau bên tổn thương, đau tăng khi người bệnh nằm nghiêng bên tổn thương
  • Ho: ho từng cơn, ho đờm nhiều, ho kéo dài
  • Nghe phổi có giảm thông khí bên vùng phổi bị viêm
  • Chụp XQ phổi hoặc CT Sanner lồng ngực có hình ảnh đông đặc một thùy phổi.

Biến chứng của bệnh viêm phổi thùy:

  • Viêm lan rộng gây xẹp thùy phổi, apces, tràn dịch màng phổi
  • Viêm mủ màng phổi thường gặp ở BN khi vi khuẩn kháng kháng sinh ( đặc biệt phế cầu)
  • Viêm màng não, viêm màng trong tim, viêm phúc mạc, viêm khớp nhiễm khuẩn …..

Bệnh viêm phổi thùy nếu được điều trị sớm bệnh tiến triển thuận lợi, nhiệt độ giảm dần, các triệu chứng như ho, sốt, đau ngực ….giảm đáng kể và có thể khỏi bệnh nhanh trong khoảng 10 – 14 ngày.

Trái lại, nếu không được điều trị kịp thời, sốt sẽ kéo dài 1-2 tuần, ho, khó thở, mạch nhanh, HA hạ và có thể có những biến chứng nguy hiểm như suy tim, phù phổi cấp

Vì vậy, để phòng ngừa bệnh cho trẻ, ba mẹ cần chú ý giữ ấm cơ thể đặc biệt là các vị trí cổ, ngực của trẻ, đặc biệt trong thời tiết mùa hè nắng mưa thất thường, điều trị sớm và dứt điểm các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm họng, viêm VA, amidan, viêm PQ, viêm tai giữa…. Đồng thời, các ba mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám sức khỏe thường xuyên và thăm khám sớm để phát hiện và điều trị kịp thời.

Leave a reply