Vừa qua, khoa Hồi sức cấp cứu-sơ sinh, Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng tiếp nhận bệnh nhi P.V.M, 14 tuổi vào viện trong tình trạng kích thích, trẻ mệt, sốt cao liên tục 39 độ C, nổi ban đỏ toàn thân, ngứa nhiều, mạch nhanh nhỏ, huyết áp thấp, đau bụng từng cơn… Qua thông tin từ mẹ bệnh nhân cho biết, buổi trưa cùng ngày trẻ có ăn thịt baba, sau bữa ăn khoảng 15 phút trẻ xuất hiện nổi ban mẩn đỏ toàn than, ngứa nhiều, đau bụng, nôn và đại tiện phân lỏng… gia đình có mua thuốc cho trẻ uống nhưng các dấu hiệu không thuyên giảm. Sau bữa ăn khoảng 4 giờ, gia đình cho trẻ đến cấp cứu tại bệnh viện.

Sau khi thăm khám và hỏi bệnh sử, tiền sử bệnh của bệnh nhi, BSCKII. Trịnh Thị Thuần – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu-sơ sinh chẩn đoán bệnh nhi bị sốc phản vệ sau ăn thịt baba. Bệnh nhi được hồi sức, điều trị theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ. Sau khi được điều trị cấp cứu, các triệu chứng nặng của bệnh nhi thuyên giảm, toàn trạng ổn định, không còn các dấu hiệu sốc phản vệ, trẻ được theo dõi tiếp tục tại khoa và xuất viện sau 01 ngày.

Sốc phản vệ sau ăn baba cũng như một số loại thức ăn khác như: giá biển, nhộng tằm… không phải hiếm gặp. Tùy vào mức độ mỗi bệnh nhân sẽ có biểu hiện khác nhau như nổi ban dị ứng ngoài da, đau bụng, nôn, đại tiện phân lỏng, khó thở…. nặng nhất là sốc phản vệ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhi có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, khi thấy bệnh nhi có các dấu hiệu bất thường sau khi ăn, uống bất kì loại thức ăn, đồ uống nào, gia đình nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, không nên tự mua thuốc điều trị.

Leave a reply