Ngày 04/02/2023, Khoa Hồi sức cấp cứu – sơ sinh tiếp nhận bệnh nhi N.T.Đ, 14 tuổi ở Đằng Hải, Hải An, Hải Phòng vào viện trong tình trạng thiếu tỉnh táo, mệt mỏi, nôn nhiều, thở gấp, đau bụng… Bệnh nhi có tiền sử đang điều trị đái tháo đường tuýp 1 bằng tiêm Insulin dưới da hàng ngày, tuy nhiên hai ngày trước đã dừng tiêm. Sau khi phát hiện các triệu chứng bất thường của trẻ, gia đình đã đưa trẻ đến Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng vì nghĩ trẻ có thể bị rối loạn tiêu hoá. Qua thăm khám, BSNT. Bùi Thị Hoàng Mai – Phó khoa Nội nhi chẩn đoán bệnh nhi có dấu hiệu: tiền hôn mê do nhiễm toan Ceton: xét nghiệm khí máu PH< 6,9, BE, HCO3 không đo dược, Glucose máu 24,7mmol/l…. Bệnh nhi được chuyển thẳng lên khoa Hồi sức cấp cứu – sơ sinh. Sau khi tiếp nhận bệnh án, BSCKII. Trịnh Thị Thuần – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu – sơ sinh ngay lập tức tiến hành cấp cứu bệnh nhi theo phác đồ bệnh nhân nhiễm toan ceton nặng: nhịn ăn, bù dịch, duy trì Insulin tĩnh mạch.  Sau hai ngày điều trị, bệnh nhi tiến triển ổn định: hết các dấu hiệu nhiễm toan, bệnh nhi được ăn trở lại, tiếp tục điều trị Insulin tiêm dưới da. Hiện tại, sức khoẻ bệnh nhi ổn định và đã được xuất viện sau bốn ngày điều trị.

BSNT. Đỗ Thị Thuý – Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh thăm khám cho bệnh nhi Đ trong quá trình điều trị

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hóa Hydrat carbon với đặc trưng đường máu tăng cao mạn tính do giảm bài tiết insulin hoặc giảm chức năng hoạt động của insulin hoặc cả hai.
Đái tháo đường ở trẻ em là phụ thuộc insulin (type 1). Và liệu pháp thay thế tiêm insulin là cần thiết để duy trì cuộc sống cho trẻ. Tuy nhiên rất nhiều trẻ có thể mắc biến chứng nguy hiểm đến tính mạng khi bị Nhiễm toan ceton – một biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường, xảy ra khi cơ thể bệnh nhân sản sinh quá nhiều axit trong máu. Nguyên nhân bệnh là do dừng tiêm Insulin đột ngột hoặc không tuân thủ chế độ ăn cho người tiểu đường.

Trẻ nhỏ khi bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường có thể biến chứng nguy hiểm như: hôn mê, phù não, shock giảm thể tích do mất nước, thậm chí tử vong, cần phải được điều trị tích cực, kịp thời bằng truyền dịch, insulin và điều chỉnh các rối loạn điện giải cùng các yếu tố nguy cơ.

Qua trường hợp của bệnh nhi Đ, bác sĩ CKII. Trịnh Thị Thuần – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu – sơ sinh khuyến cáo: nếu các phụ huynh thấy trẻ xuất hiện triệu chứng ăn nhiều, uống nước nhiều đột ngột, tiểu nhiều, sụt cân cần phải đưa ngay đến bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng trẻ nhỏ. Trong quá trình điều trị Insulin, gia đình phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc của trẻ, tránh tình trạng dừng thuốc đột ngột hoặc tiêm thuốc không đúng chỉ định. Đồng thời, để phòng bệnh lý tiểu đường ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, bổ sung năng lượng cho trẻ hợp lý, hạn chế đồ ngọt, đồ ăn nhanh, tránh tình trạng thừa cân, béo phì…

Leave a reply