Theo thống kê của Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng, trong 02 tháng cuối năm 2019, số bệnh nhi đến khám và điều trị do bệnh cúm gia tăng đột biến.

Theo BSCKII Phạm Văn Điệp – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng chia sẻ: Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A và cúm B.

 Các triệu chứng đầu tiên của bệnh cúm bao gồm sốt (trên 38 độ, có thể tăng cao 39 – 40 độ), đau đầu, đau mỏi toàn thân… sau đó mới xuất hiện triệu chứng đường hô hấp như viêm họng, đau rát cổ họng, ho khan, đau tức ngực, ho có đờm, chảy nước mũi trong kèm ngạt mũi.

Riêng đối với trẻ em, khi bị cúm, tình trạng sốt cao có thể gây nên trạng thái co giật, nếu không được xử lý sớm sẽ dẫn tới tổn thương về thần kinh không phục hồi. Ngoài ra, bệnh cúm cũng có thể gây ra nhiều biến chứng ở trẻ như biến chứng viêm phế quản, viêm phổi thường gặp­­­, viêm tai giữa, tiêu chảy kéo dài…

Chăm sóc trẻ bị cúm đúng cách

Cũng theo Bs Điệp, khi trẻ bị cúm mùa, bố mẹ cần chăm sóc tốt đường hô hấp cho trẻ, thường xuyên vệ sinh mũi, họng, miệng cho trẻ bằng nước muối 0,9%; thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ tránh tì­­­­nh trạng lây chéo, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với các nguồn bệnh; chú ý chế độ dinh dưỡng giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Ngoài ra, khi bị cúm, trẻ cần được cách ly tại nhà để nghỉ ngơi, không nên cho trẻ đến những nơi công cộng như trường học, công viên… để tránh lây lan nguồn bệnh; chú ý vệ sinh phòng ốc, chỗ ở sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế tối đa nguồn virus gây bệnh.

Đặc biệt, cần chủ động tiêm phòng vắc xin cúm mùa hàng năm, đây là cách thức phòng bệnh được đánh giá là đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Leave a reply