17h ngày 17/5 vừa qua, Khoa sản 2, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng đã tiếp nhận sản phụ V.M.T, 34 tuổi, ở Chùa Hàng, Hồ Nam, Hải Phòng đến khám trong tình trạng: đau bụng, mệt mỏi, phù hai chân. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, sản phụ được chẩn đoán chuyển dạ đẻ lần một, thai 34 tuần, tiền sản giật nặng kèm thai chậm phát triển, suy dinh dưỡng trường diễn trong tử cung ( chỉ tương đương thai 30 tuần). Chỉ số huyết áp đo được của người mẹ lúc vào là 150/100mmHg, acid urie tăng cao: 409Mmol/l – thận đã có dấu hiệu tổn thương; trong nước tiểu có protein; sản phụ phù nhiều hai chi dưới, vùng mặt và bụng; cổ tử cung đã mở 1cm, đã xuất hiện rõ cơn co chuyển dạ. Khi có cơn co tử cung thì tim thai xuống rất chậm (đó là tình trạng đã từng suy thai mãn trong tử cung do chậm phát triển trên thể trạng cao huyết áp kéo dài của mẹ).

Bác sỹ Trần Thị Việt Phương – Trưởng khoa sản 2 đã được mời khám hội chẩn khi bệnh nhân vừa tới Khoa và chỉ định mổ cấp cứu được đưa ra ngay để cứu bé; chấm dứt các nguy cơ tai biến có thể xảy ra cho mẹ do tiền sản giật gây lên (sản giật, hôn mê, chảy máu và nhiều tai biến khác…). Tuy bệnh nhân vào viện đã cuối giờ chiều nhưng kíp phẫu thuật do bác sỹ Nguyễn Kim Nga và bác sỹ Vũ Hồng Thăng vẫn lập tức triển khai không chậm trễ. Ca mổ đã diễn ra thành công, một bé gái nặng 1,2kg được chào đời, bé có đủ các dấu hiệu suy dinh dưỡng bào thai nặng như: da nhăn nheo; lớp mỡ, cơ dưới da rất mỏng. Sau khi được hỗ trợ ủ ấm, làm sạch đường thở, bé khóc rất to như lời cảm ơn cho kíp gây mê và kíp phẫu thuật vừa cứu sống mình. Thấy tình trạng hô hấp của bé đã ổn định, các phản xạ sơ sinh tốt dần hơn, bác sỹ Việt Phương đã quyết định giữ bé lại Khoa Sản 2 để chăm sóc và nuôi dưỡng trước sự đồng tình của sản phụ và người thân.

Hỏi bác sỹ Việt Phương, việc theo dõi, chăm sóc và nuôi dưỡng một nhi đã non tháng lại nhẹ cân do suy dinh dưỡng lâu trong tử cung mẹ là rất vất vả cho các nhân viên y tế của 2 khoa Sản và Nhi, vậy tại sao không chuyển bé sang bệnh viện trẻ em cho nhẹ đi phần trách nhiệm này. Bác sỹ Phương chia sẻ, bé đã thiệt thòi hơn những bé khác vì bị chậm phát triển cân nặng trong cơ thể bệnh lý tiền sản giật của mẹ. Giờ bé ra chỉ vì non tháng nhẹ cân mà bé không bị bệnh lý gì khác thì việc tách bé ra khỏi mẹ còn làm bé thiệt thòi và còi cọc hơn nữa chưa nói tới việc chuyển sang bệnh viện trẻ em, mẹ bị tiền sản giật phải sang theo để vắt sữa hàng ngày, còn làm giảm thêm khả năng hồi phục bệnh lý sau mổ cho mẹ. Tiếp nữa là những nguy cơ lây chéo cho bé khi bệnh viện trẻ em luôn quá tải các trường hợp nhi là bệnh lý.

Đã hơn 10 ngày sau phẫu thuật, tình trạng bé ổn định và tăng cân (từ 1,2kg lên 1,4kg; từ chưa có phản xạ bú nay bé đã được tập bú và bú tốt; đã được tập ra nằm cùng mẹ).  Trở lại với bệnh lý tiền sản giật trong lúc mang thai, đây là một trong 5 tai biến sản khoa gây ra biến chứng tử vong cao cho cả mẹ và con. Qua đây các bác sỹ cũng khuyến cáo, các sản phụ cần đi khám thai định kỳ, theo đúng hẹn và chỉ có khám thai định kỳ theo đúng quy trình như tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng đang thực hiện sẽ ngăn chặn được tối đa các biến cố tiền sản giật có thể gây ra cho sản phụ, bảo đảm sự an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Leave a reply