Việc sốt cao >37,8 độ C có thể dẫn đến tăng nhiệt độ tại tinh hoàn và thúc đầy quá trình Apoptosis (chết theo chương trình). Theo nghiên cứu vào tháng 2/2022 trên tạp chí Journal of Endocrinological Investigation, ở những nam giới bị nhiễm Sar-CoV-2 sau khỏi bệnh từ 45-60 ngày, nhận thấy số lượng và khả năng di động của tinh trùng bị giảm trong khi tỉ lệ tinh trùng dị dạng tăng, kể cả khi họ chỉ sốt nhẹ, khỏe mạnh và trẻ tuổi[1].
Trong tình hình dịch Covid-19 đang bắt đầu bước sang giai đoạn mới, có thể ai rồi cũng sẽ mắc Covid—19 một lần trong đời. Tuy rằng việc tiêm vaccine đã giúp giảm bớt phần nào những triệu chứng khi nhiễm bệnh nhưng những hệ quả tiềm ẩn của virus Sar-CoV-2 thì vẫn còn đang được thống kê, trong đó có vấn đề về sức khỏe sinh sản.
Một trong những triệu chứng điển hình của Covid-19 đó là sốt. Trong cơ thể, tinh hoàn là một trong những bộ phận nhạy cảm với nhiệt độ và thường thấp hơn so với nhiệt độ cơ thể. Nhiệt độ lí tưởng cho sự sinh tinh là từ 29-36 độ C. Do đó việc sốt cao >37,8 độ C có thể dẫn đến tăng nhiệt độ tại tinh hoàn và thúc đầy quá trình apoptosis (chết theo chương trình). Theo nghiên cứu vào tháng 2/2022 trên tạp chí Journal of Endocrinological Investigation, ở những nam giới bị nhiễm Sar-CoV-2 sau khi khỏi bệnh khoảng từ 45-60 ngày, nhận thấy số lượng và khả năng di động của tinh trùng bị giảm trong khi tỉ lệ tinh trùng dị dạng tăng. Bên cạnh đó các nghiên cứu cũng ghi nhận sự mất cân bằng các hormone nam cụ thể là hormone hoàng thể – LH tăng, hormone kích thích nang trứng – FSH và testosterone giảm, đồng thời nhiễm Covid-19 cũng dẫn tới làm tăng khả năng bị rối loạn cương dương.
Tại sao tinh trùng của nam giới suy giảm sau khi mắc COVID-19?
Để giải thích cho những kết quả được thống kê ở trên, các nhà khoa học cho biết tinh hoàn là một cơ quan đặc biệt được bảo vệ bởi hệ thống miễn dịch tuy nhiên đó cũng là một trong những mục tiêu tấn công của Covid-19, tương tự như một số các bệnh lý trước đây đã được ghi nhận có ảnh hưởng đến tinh hoàn như quai bị,…. Sự tấn công của virus tạo nên sự viêm dẫn tới việc sốt, tăng nhiệt độ cơ thể đồng thời tăng nhiệt độ tinh hoàn. Thiếu oxy cũng là nguyên do gây nên việc thiếu hụt FSH và testosterone.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy ngay cả ở những người đàn ông nhiễm COVID-19 không có triệu chứng sốt, số lượng và chất lượng tinh trùng của họ cũng bị suy giảm. Không có bằng chứng nào cho thấy nhiễm COVID-19 nặng hơn sẽ bị suy giảm tinh trùng nặng hơn và ngược lại.
COVID-19 được cho là liên quan đến nhiều các dấu hiệu bệnh lý về đường sinh dục ở nam giới. Tuy nhiên các dữ liệu về vấn đề này còn rất ít, cần được khai thác và nghiên cứu nhiều hơn.
Vấn đề này liệu có đáng lo ngại đối với những đối tượng đang trong quá trình điều trị hiếm muộn?
Qua những kết quả nghiên cứu trên, ASRM (Hiệp hội sinh sản Châu Âu) và SART (Hiệp hội Kỹ thuật Hỗ trợ sinh sản) khuyến cáo những cặp vợ chồng đang trong quá trình điều trị vô sinh, người cho nhận trứng, cho nhận tinh trùng sau khi mắc COVID-19 nên cân nhắc đi kiểm tra lại các chỉ số quan trọng về sức khỏe sinh sản để chủ động cho việc có em bé sắp tới.
Về thời điểm nên đi kiểm tra lại, đối với những nam giới đã có kết quả kiểm tra trước đó thì nên thực hiện lại các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe sinh sản sau 2 tháng kể từ khi nhiễm COVID-19 vì đó là khoảng thời gian tương ứng với một chu kì sinh tinh mới.
Sau khi khỏi COVID-19 bao lâu thì có thể bắt đầu thực hiện IVF?
Lời khuyên của bác sĩ đưa ra rằng, khi IVF được chỉ định cho những trường hợp vô sinh do tinh trùng ít, yếu, dị dạng mức độ nặng hoăc vô sinh không có tinh trùng, việc giảm số lượng hay chất lượng tinh trùng do COVID-19 sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến quá trình điều trị. Thay vào đó trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid mà rất nhiều hoạt động của chúng ta trì hoãn nhưng tuổi tác của chúng ta thì lại không vì thế mà dừng lại. Do đó, hi vọng các ba mẹ có thể chủ động sắp xếp đến các trung tâm HTSS để tận dụng khả năng sinh sản của mình càng sớm càng tốt.
Trên đây là những nghiên cứu ban đầu về ảnh hưởng của COVID-19 đến sức khỏe sinh sản ở nam giới. Tuy nhiên sự ảnh hưởng về lâu dài cũng như sự tác động bên trong về mặt di truyền thì cần phải có thêm thời gian để nghiên cứu.
Tài liệu tham khảo
- Nguyen, T.T., Hulme, J., Tran, H.D. et al. The potential impact of COVID-19 on male reproductive health. J Endocrinol Invest (2022). https://doi.org/10.1007/s40618-022-01764-z
Leave a reply