Da của trẻ rất mong manh, chính vì vậy khi thời tiết nắng nóng trẻ dễ mắc các bệnh về da như rôm sảy, hăm kẽ, mụn nước, bóng nước, chàm. Nặng hơn, da trẻ dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn gây bệnh (cầu khuẩn) gây chốc, nhọt, u mềm lây, thủy đậu… Dưới đây là một số cách giúp bạn chăm sóc da của trẻ trong mùa nắng nóng.
Có những loại bệnh thường gặp về da của bé. Tuy nhiên, những bệnh này không cần phải quá lo lắng vì chúng thường sẽ từ từ biến mất mà không cần các bà mẹ phải can thiệp gì cả. Ví dụ như: trẻ sơ sinh thường có những bớt màu tím, có những u mạch, hạt kê… Khi trẻ lớn hơn một chút, tự động những bớt và u hạt này sẽ “lặn” mất. Hoặc bệnh lác sữa thường gặp ở các bé từ 3 tháng tuổi. Lác sữa tuy hay tái đi tái lại nhiều lần nhưng khi trẻ khoảng 2 tuổi thì bệnh đột nhiên biến mất như chưa hề tồn tại.
Ngoài ra, rôm sảy là loại bệnh về da rất phổ biến, nhất là ở những nơi nắng nóng. Bệnh sẽ nặng vào mùa hè oi bức vì trẻ ra mồ hôi nhiều, các tuyến mồ hôi bị chèn ép bít kín lại làm mồ hôi không thoát ra được. Trẻ thường bị rôm sảy ở lưng, gây ngứa ngáy, quấy khóc. Với rôm sảy, các bà mẹ nên tắm cho bé hằng ngày bằng nước sạch, ấm từ 35 – 370C, chỉ được dùng loại xà phòng dành cho em bé (chứa các loại vitamin, các acid amin, các muối khoáng và các nguyên tố vi lượng, đồng thời ngăn ngừa các vi khuẩn gây bệnh, bảo vệ da không bị nhiễm trùng), không dùng xà phòng thường dễ làm khô da bé. Khi mới chào đời, làn da của bé chưa phát triển một cách hoàn chỉnh nên cần phải chọn chế phẩm vừa đạt tác dụng tẩy sạch các chất bẩn trên da, vừa phải phù hợp với sinh lý tự nhiên của da bé và không gây kích ứng da.
Ngoài những loại bệnh về da không mấy lo ngại, thông thường các bé rất dễ bị mụn (neonatal acne). Rồi do tăng tiết mồ hôi ở môi trường nóng, ẩm, do sốt, bé bị ban hạt kê (miliaria crystalina).
Một bệnh khác về da các bé cũng thường mắc phải là ban kê đỏ (miliaria rubra) do các ống bài tiết mồ hôi bên trong bị bít kín. Bệnh gây ra mụn nước đỏ, cứng ở vùng trán, thân trên, vùng bị hăm gây ngứa từng cơn. Bệnh chốc (impetigo) cũng rất thường gặp, đây là bệnh nhiễm trùng da do liên cầu trùng. Bé cũng dễ bị bệnh nhọt (furuncle) là tình trạng viêm toàn bộ nang lông và tổ chức xung quanh do tụ cầu, bệnh này có thể gây sốt, viêm hạch kế cận, nhiễm trùng huyết. Bệnh u mềm lây (molluscum contagiosum) là loại nhiễm trùng do virút, rất dễ lây lan. Ngoài ra, còn những bệnh thông thường khác do thiếu vệ sinh như: lang ben, ghẻ, có chí trên đầu, hăm kẽ, viêm da do tã lót… cũng hành hạ các bé, làm các bé khó chịu, quấy khóc và dẫn đến bỏ ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cách chăm sóc da cho bé trong mùa nóng
– Luôn giúp bé khô mồ hôi. Mùa nắng nóng trẻ dễ đổ mồ hôi. Do vậy, bạn nên chú ý chuẩn bị các loại khăn bông vải mềm để giúp bé thấm mồ hôi.
– Lưu ý không nên dùng quạt máy để giúp bé của bạn làm mát. Nó có thể khiến bé khô da và mất nước.
– Nên tắm cho bé thường xuyên hơn so với mùa lạnh, tuy nhiên không nên tắm quá nhiều lần.Lưu ý nên tắm nước ấm cho trẻ hoặc chuẩn bị nước tắm với các loại dầu và hương dành riêng cho bé. Tuyệt đối không tắm nước lạnh cho bé.Và sau khi tắm phải lau khô bé thật nhanh và thật kỹ.
– Dùng các loại kem phấn dành cho trẻ em để bảo vệ da cho bé.Bên cạnh kem chống nắng, mùa này cũng cần chú ý hơn đến các loại kem phấn bảo vệ da cho bé.
– Do mùa nắng nóng cũng là mùa sinh sản của các loại côn trùng, hãy tham vấn bác sĩ nhi khoa về các loại kem chống côn trùng cho bé của bạn.
– Chọn quần áo phù hợp mùa nóng cho trẻ. Hãy cho bé mặc các loại quần áo vải bông nhẹ thoáng và sáng màu. Nên thay quần áo thường xuyên cho bé nhất là những khi trời nóng. Vì quần áo nhớp mồ hôi cũng sẽ khiến trẻ dễ bị các bệnh ngoài da do hâm hoặc nấm.
– Thường xuyên kiểm tra da của bé và đưa bé đi khám sức khỏe định kỳ.Luôn theo dõi các triệu chứng và kiểm tra da của bé thật cẩn thận. Đừng xem thường bất cứ dấu hiệu nhỏ nào.
– Nên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ đều đặn.
Leave a reply
Leave a reply