Rau tiền đạo trung tâm kết hợp rau cài răng lược là hình thái lâm sàng nghiêm trọng nhất của rau tiền đạo, đe doạ tính mạng của sản phụ và thai nhi, thường gặp ở những sản phụ từng có vết mổ đẻ cũ nên phẫu thuật khó khăn và gây mất máu nhiều. Mới đây, Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng đã phẫu thuật thành công cho trường hợp sản phụ mắc đồng thời hai bệnh lý này, mang lại sự an toàn, “mẹ tròn con vuông” cho sản phụ và thai nhi.
Sản phụ T. T.B.N, 32 tuổi sống tại xã Thái Hoà, tỉnh Nghệ An có tiền sử mổ đẻ 2 lần. Tuy nhiên, mang thai lần 3 lại không được suôn sẻ như hai lần trước. Ở tuần thai thứ 26, sản phụ N đến khám tại một cơ sở y tế lớn tại Hải Phòng và được chẩn đoán mắc bệnh lý rau tiền đạo trung tâm cài răng lược, tuy nhiên không được cơ sở này tiếp nhận điều trị. Sản phụ đã tìm hiểu và quyết định lựa chọn Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng để quản lý thai định kỳ chặt chẽ. Quá trình khám và quản lý thai sản phụ được làm các xét nghiệm, theo dõi sát sao sự phát triển của thai nhi. Tới tuần thứ 37, TTƯT BSCKII.Trần Thị Việt Phương – Giám đốc Chuyên môn khối Sản đã khám hội chẩn, chỉ định phẫu thuật cho sản phụ N. Đây là bệnh lý nguy hiểm và phẫu thuật khó khăn nhất trong Sản khoa.
Sau khi sản phụ được chuẩn bị kỹ lưỡng, bao gồm dự trù máu và các chế phẩm từ máu, ca phẫu thuật đã được tiến hành dưới sự thực hiện trực tiếp của TTƯT BSCKII. Trần Thị Việt Phương, Giám đốc chuyên môn khối Sản, ThS.BS Phạm Văn Đô – Phó Khoa Đẻ, BS Nguyễn Thành Quang và ekip gây mê do BSCKI.Nguyễn Đỗ Hưng – Trưởng khoa Gây mê hồi sức thực hiện cùng ekip hồi sức sơ sinh do BSCKII. Trịnh Thị Thuần – Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhi tham gia hỗ trợ, đảm bảo trong suốt quá trình vượt cạn của sản phụ và bé được diễn ra an toàn nhất. Ca mổ thực hiện vào sáng ngày 15/01/2025. Khi mổ ổ bụng, ekip thấy các mạch máu tăng sinh đan thành một lưới mạch, các phẫu thuật viên tìm vùng ít mạch máu nhất (vùng thân tử cung) lách qua bánh rau lên phía trên để hạn chế tối đa chảy máu, lấy ra bé trai nặng 3000gr cất tiếng khóc chào đời trong sự vui mừng và xúc động của toàn bộ ekip. Sau khi lấy thai, máu chảy ồ ạt tại vùng mở tử cung vì sản phụ có tiền sử mổ đẻ 2 lần, bàng quang dính che phủ toàn bộ phần dưới tử cung nên quá trình đẩy bàng quang xuống thấp để tiến hành cắt tử cung không gây tổn thương bàng quang là rất khó khăn. Nhưng nhờ kinh nghiệm dày dạn và sự khéo léo, các phẫu thuật viên của ekip đã nhanh chóng khống chế được máu chảy để tiến hành cắt tử cung suôn sẻ, không làm tổn thương bàng quang. Việc cầm máu bàng quang tại vùng có gai rau đâm xuyên cũng là một nghệ thuật điêu luyện trong phẫu thuật. Sau 1 tiếng 13 phút phẫu thuật, ca mổ đã hoàn tất, thành công ngoài sức mong đợi. Sản phụ đã được truyền 5 đơn vị khối hồng cầu (1750 ml) và 2 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh (700ml) nên sau phẫu thuật huyết động của bệnh nhân hoàn toàn ổn định. Sau 24 tiếng, sản phụ được chuyển lên khoa Hậu sản, với sự chăm sóc tận tình của BSCKII. Phạm Thị Thu Thuỷ – Trưởng khoa Hậu sản cùng các bác sĩ, điều dưỡng, sức khoẻ của mẹ và bé tốt lên từng ngày và được xuất viện sau 10 ngày.
Qua trường hợp của sản phụ N, các chuyên gia cũng khuyến cáo tới các sản phụ, nên quan tâm và sát sao trong việc quản lý thai nghén, vì có nhiều bệnh lý dấu hiệu nhận biết khá mờ nhạt, thậm chí không có dấu hiệu biểu hiện. Vì vậy, việc quản lý thai nghén tại các cơ sở y tế uy tín là rất cần thiết, đảm bảo cho các mẹ một thai kì khoẻ mạnh, nếu có phát sinh bất kì bệnh lý nào trong quá trình mang thai cũng có thể được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Leave a reply
Leave a reply