Rau tiền đạo trung tâm là hiện tượng rau bám sai chỗ (bám ở đoạn dưới tử cung, che lấp hoàn toàn tử cung và đường ra của thai nhi). Đây là một trong những bệnh lý cấp cứu chảy máu nặng trong sản khoa. Rau cài răng lược là bệnh lý gai rau đâm xuyên và xâm lấn vào cơ tử cung, thậm chí bám lan sang các cơ quan khác trong ổ bụng như bàng quang, ruột…Hai bệnh lý rau tiền đạo trung tâm kết hợp cài răng lược là hình thái lâm sàng nghiêm trọng nhất có thể gây ra rất nhiều biến cố trong và sau phẫu thuật, có nguy cơ cao đe doạ tới tính mạng của sản phụ và thai nhi. Mới đây, Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng đã phẫu thuật thành công cho trường hợp sản phụ mắc đồng thời hai bệnh lý cộng thêm tiền sử ba lần mổ đẻ, mang lại sự an toàn, “mẹ tròn con vuông” cho sản phụ và thai nhi.

Sản phụ T.T.L, 37 tuổi tại Hải An, Hải Phòng trong ba lần mang thai trước đều phải sinh mổ. Lần mang thai thứ 4, sản phụ L quản lý thai ở Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng, được phát hiện bị rau tiền đạo trung tâm khi thai kỳ ở tháng thứ 5 (22 tuần). Sản phụ được các bác sĩ tại Bệnh viện tư quản lý thai định kỳ chặt chẽ. Tuần thai thứ 28, sau khi siêu âm, bác sĩ chẩn đoán sản phụ mắc thêm rau cài răng lược. Tới tuần 34, sản phụ nhập viện theo dõi. Theo xu thế thực hành sản khoa hiện đại hiện nay, Rau tiền đạo trung tâm cài răng lược nhiều quan điểm được đưa ra là nên chấm dứt thai kỳ sớm để giảm nguy cơ gai rau có thể xuyên qua cơ tử cung vào các cơ quan lân cận như bàng quang, nhất là trên những trường hợp có vết mổ đẻ cũ, cơ tử cung vùng sẹo mổ rất mỏng nên rau tiền đạo trung tâm cài răng lược sẽ xuyên qua cơ tử cung để bấm xuyên vào cơ bàng quang. Tuy nhiên, tại khoa Tiền sản, BSCKII. Phạm Thị Xuân Minh – Trưởng khoa Tiền sản đã hội chẩn cùng các chuyên gia đều thống nhất sẽ giữ thai vượt 35 tuần sẽ chỉ định mổ để giảm nguy cơ quá non cho bé (vẫn thực hiện đúng nguyên tắc xử trí trong sản khoa: ưu tiên cứu mẹ, có chiếu cố con).

Sản phụ được làm đầy đủ các xét nghiệm, thăm dò sản khoa cao cấp bao gồm cả chụp cộng hưởng từ các đường đi của mạch máu và mức độ đâm xuyên của gai rau để có thể tính toán chuẩn bị cho kíp mổ an toàn nhất, khống chế tối đa biến chứng có thể xảy ra trong phẫu thuật và lượng máu mất. Kết quả siêu âm 5D và kết quả chụp cộng hưởng từ đều cho thấy gai rau đã xuyên qua cơ tử cung và xâm lấn vào thành bàng quang.

Kíp mổ được lên chương trình vào sáng 05/12/2023 với sự phân công cụ thể cho các kíp liên quan cùng tham gia:

  1. Kíp Phẫu thuật: TTƯT.BSCKII. Trần Thị Việt Phương – Giám đốc chuyên môn khối Sản; Ths.BS Phạm Văn Đô – Phó khoa Đẻ-CSSS; BSNT. Nguyễn Hữu Trung – Khoa Đẻ.
  2. Kíp Gây mê: BSCKI. Nguyễn Đỗ Hưng – Trưởng khoa Gây mê hồi sức; Ths.BS Phạm Đình Kiên – Khoa Gây mê hồi sức.
  3. Kíp Đón nhi: Ths.BS Nguyễn Thị Hồng Hạnh và các nữ hộ sinh có kinh nghiệm hồi sứ sơ sinh
  4. Hỗ trợ cung cấp máu: Ths.BS Đỗ Mạnh Toàn – Trưởng khoa Xét nghiệm; BSCKI. Phạm Thị Thuỷ – Phó khoa Xét nghiệm

Cuộc phẫu thuật diễn ra vào lúc 10 giờ. Sau khi sản phụ được gây mê bằng phương pháp đặt nội khí quản, “cuộc chiến của các blouse trắng” cũng bắt đầu diễn ra. Với tiền sử mổ đẻ ba lần, toàn bộ mặt trước tử cung của sản phụ đã dính vào sẹo mổ ở thành bụng, kíp mổ đã khéo léo, nhanh chóng giải phóng dính, bộc lộ đoạn dưới tử cung, thấy toàn bộ đoạn dưới lên tới thân tử cung chằng chịt các mạch máu tăng sinh, tím sẫm (đây chính là vùng rau bám cài răng lược). Các phẫu thuật viên đã tìm vị trí ít mạch máu nhất là vùng thân hướng lên đáy tử cung để mở vào lấy bé, hạn chế việc phải cắt vào các vùng nhiều mạch máu, hạn chế chảy máu. Bé gái được đưa ra trong tình trạng nguy cấp của mẹ, với cân nặng 2100g, khóc ngay khi ra, các phản xạ tốt dù còn non tháng. Sau khi bé ra, vì là rau tiền đạo trung tâm cài răng lược nên rau gắn chặt với tử cung, không bong và không thể bóc ra được. Nếu bóc, máu sẽ chảy dữ dội, khó cầm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng mẹ nên các bác sĩ phẫu thuật đã thực hiện ngay việc cắt tử cung. Cắt tử cung trong trường hợp này cũng là vô cùng khó khăn bởi tiểu sử đã từng ba lần mổ đẻ, thành tử cung vùng sẹo mổ dính vào bàng quang là rất mỏng, gây thủng, rách bàng quang rất cao…Nhưng với sự khéo léo và tài giỏi của nhóm phẫu thuật viên, các thử thách nêu trên đã vượt qua, mang đến sự an toàn cao nhất cho người bệnh.

Ca phẫu thuật thành công ngoài sức mong đợi. Thành công này có được là nhờ sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ và sự phối hợp ăn ý của các kip liên quan (phẫu thuật, gây mê, truyền máu, đón nhi và hồi sức sơ sinh) cùng các trang thiết bị hiện đại của bệnh viện: Quá trình phẫu thuật diễn ra nhanh chóng, tình trạng mất máu được kiểm soát tốt, sản phụ chỉ phải truyền hai đơn vị máu. Sau 7 ngày phẫu thuật, với sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ và điều dưỡng khoa Hậu Sản, sản phụ đã khoẻ mạnh trở lại, ăn ngủ tốt, đủ sữa cho bé bú. Sức khoẻ bé ổn định.

Đối với các thầy thuốc của Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng, thành công sau những ca bệnh khó là món quà, là niềm hạnh phúc không gì sánh được. Nhân ca bệnh nay, bác sĩ sản khoa khuyến cáo, đối với các thai phụ, trong quá trình quản lý thai, nếu siêu âm được chẩn đoán rau tiền đạo trung tâm cài răng lược phải hiểu ngay rằng đây là một bệnh lý nghiêm trọng bởi nguy cơ mất máu rất cao cho người mẹ. Với nhiều biến cố có thể xảy ra trong cuộc phẫu thuật nên bệnh lý này cần được khám, quản lý tại các bệnh viện chuyên khoa có các trang thiết bị hiện đại, nguồn cung ứng máu tốt với các bác sĩ nhiều kinh nghiệm, tay nghề phẫu thuật cao… như Bệnh viện Quốc Tế Sản Nhi Hải Phòng, nhiều trường hợp thai phụ bị rau tiền đạo trung tâm – rau cài răng lược đã được các bác sĩ phát hiện sớm, hướng dẫn quản lý thai nghén chặt chẽ và đặc biệt hội chẩn liên chuyên khoa để chuẩn bị kế hoạch can thiệp tối ưu, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho thai nhi và sản phụ. Đồng thời để sớm phất hiện được bệnh lý nguy hiểm này, đối với các phụ nữ mang thai, thì không có cách nào khác ngoài việc quản lý, chăm sóc thai thường xuyên, định kỳ theo đúng yêu cầu của các thầy thuốc sản khoa, như vậy mới mong có được một kỳ sinh đẻ “mẹ tròn con vuông” cho dù mang thai có là thai nghén nguy cơ cao hay không.

Leave a reply