“ Trong khái niệm gia đình ở Việt Nam từ lâu, con cái đóng vai trò rất quan trọng, phải có con thậm chí phải có con trai để có một gia đình trọn vẹn. Đó là những quan điểm từ xưa cũ đã tạo áp lực cho nhiều cặp vợ chồng, cũng như dẫn đến sự đổ vỡ hạnh phúc của nhiều gia đình”
– Con ơi, ba mẹ vẫn chờ –
1. Vô sinh hiếm muộn mang đến rất nhiều những áp lực về tâm lý.
Trở thành cha mẹ là điều tuyệt vời mà cặp vợ chồng nào cũng mong muốn sau khi kết hôn nhưng đối với nhiều người thì điều ấy lại không hề dễ dàng.
Vô sinh hiếm muộn đã mang đến nhiều trải nghiệm tiêu cực cho các cặp vợ chồng như mặc cảm, lo âu, căng thẳng, chán nản, hoài nghi. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho họ có khả năng mắc phải trầm cảm mà phản ứng thường gặp là tự ti, buồn bã, thất vọng, dễ tức giận đôi khi còn là cảm giác tội lỗi và cảm thấy bất lực – rất khó để có thể chia sẻ với người thân hay bạn bè.
Những nguyên nhân này có thể đến từ nhiều khía cạnh: áp lực gia đình, xã hội, áp lực về tài chính, mệt mỏi vì quá trình điều trị kéo dài, áp lực về tỉ lệ thành công và chính từ sự mong mỏi của bản thân.
2. Tâm lý căng thẳng ảnh hưởng đến chất lượng điều trị như thế nào?
Stress ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống nói chung và hiệu quả trong điều trị hiếm muộn nói riêng.
Một nghiên cứu gộp cho thấy trong số 25 nghiên cứu về chủ đề này, có tới 16 nghiên cứu chỉ ra rằng căng thẳng tâm lý làm giảm tỉ lệ thụ thai hoặc tăng tỉ lệ sảy thai.
Hay nghiên cứu khác trên 151 bệnh nhân của tác giả Klonoff-Cohen cùng cộng sự năm 2001 và 2004 cho thấy tỉ lệ có thai tăng gấp đôi ở nhóm ít gặp stress nhất so với nhóm căng thẳng nhất. Do đó, bắt đầu một chu kì IVF đến khi chuyển phôi hay ngay cả khi đang dưỡng thai, việc giữ tâm lý thoải mái và tích cực là điều rất quan trọng.
Nhận lời khuyên thì dễ nhưng chính những người trực tiếp trải qua căng thăng tâm lý lại rất khó để tự mình vượt qua được.
3. Vậy phải làm thế nào?
Có nhiều cách để hạn chế những trải nghiệm tiêu cực cũng như giúp cho bệnh nhân vượt qua được những căng thẳng tâm lý trong quá trình điều trị hiếm muộn.
– Những bệnh nhân thích nghi tốt sau thất bại điều trị là những bệnh nhân đã được cung cấp ngay từ đầu cả thông tin tích cực lẫn tiêu cực. Họ nhận thức được thực tế điều trị vô sinh, những hạn chế của các kĩ thuật HTSS, và tỉ lệ thành công…Do đó khi nhận kết quả thử thai âm tính, bệnh nhân ít bị rơi vào trạng thái sốc, tuyệt vọng mà họ có thể điều chỉnh tốt và kiên cường hơn để đặt hi vọng cho lần điều trị tiếp theo.
– Tư vấn tâm lý không chỉ riêng cho khía cạnh điều trị. Mỗi bệnh nhân là một câu chuyện và có những tâm sự rất khó để mở lòng chia sẻ thậm chí với cả bác sĩ. Do đó những liệu pháp tư vấn tâm lý đến từ chuyên gia sẽ giúp cho các cặp vợ chồng hiếm muộn dễ trải lòng hơn, đặc biệt là các chị – những người vất vả và áp lực hơn cả trên hành trình này.
– Tuy nhiên bác sĩ và chuyên gia tâm lý chỉ là những người chỉ đường, bệnh nhân vẫn phải là người tự điều chỉnh để cân bằng tâm lý bắt đầu từ chế độ ăn uống và sinh hoạt của mình.
- Tập thể dục, đi bộ giúp tăng tiết endorphin cải thiện tâm trạng và giúp ngủ ngon.
- Bổ sung những thực phẩm giúp giảm lo âu: ngũ cốc, trứng, rau xanh, các loại đậu, cá hồi, trà xanh, sô-cô-la…
- Nghe nhạc, ngắm hoa hoặc ngồi thiền để có một tâm hồn nhẹ nhàng, thư giãn.
- Dành thời gian cho gia đình. Hãy dành những khoảng thời gian để bày tỏ tình yêu thương và trân trọng đến những người thân yêu nhé.
Ngoài ra bác sĩ có thể kê thêm cho anh chị một số loại thuốc giúp giảm lo âu, chống trầm cảm rất hữu ích, tuy nhiên giữa bác sĩ và bệnh nhân phải cân nhắc kĩ lưỡng trước khi đưa ra quyết định dùng thuốc.
Điều quan trọng nhất vẫn là anh chị luôn nhớ câu thần chú này nhé : “Giữ tinh thần thoải mái và tích cực góp phần rất quan trọng tăng tỉ lệ thành công trong điều trị IVF”
Con cái là một phần quan trọng của gia đình nhưng không phải là mục đích duy nhất của kết hôn. Hi vọng những cặp vợ chồng hiếm muộn chưa may mắn có thể biến hành trình khó khăn, gian nan tìm con thành cơ hội để hai vợ chồng hiểu nhau hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn và yêu thương nhau nhiều hơn.
—————————–
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Quốc Tế Sản Nhi Hải Phòng – HP Fertility
🏥 Tầng 16 – Bệnh viện Quốc Tế Sản Nhi Hải Phòng – Số 124 – Nguyễn Đức Cảnh, Lê Chân, Hải Phòng
📞 0898.108.666 – 0225.368.6666
Leave a reply