Ngay trong thời điểm những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, khi dịch bệnh SARS-COV-2 đang diễn biến phức tạp, liên chuyên khoa Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng đã cùng chung sức phối hợp cứu sống bệnh nhi một tuổi bị tắc ruột nguy kịch.

Bệnh nhi Trần Huy H, chỉ mới một tuổi ở Dương Kinh, Hải Phòng nhập viện lúc 4 giờ sáng vì xuất hiện triệu chứng nôn nhiều. Qua thăm khám, Ths.BS Phạm Tuấn Anh – Khoa Truyền nhiễm nghĩ nhiều tới trường hợp bệnh nhi bị tả chảy cấp giai đoạn đầu và đề nghị người nhà cho bệnh nhi nhập viện để theo dõi. Tuy nhiên cho tới chiều, tình trạng nôn nhiều của bệnh nhi vẫn không thuyên giảm, kèm theo việc bệnh nhi không thể đi ngoài. Tiên lượng đây là ca bệnh phức tạp, Ths.BS Phạm Tuấn Anh quyết định cho bênh nhi làm siêu âm ổ bụng để tìm ra nguyên nhân căn bệnh. Kết quả sau khi siêu âm, BSCKI Bùi Đăng Chương – Khoa Chẩn đoán hình ảnh phát hiện thành ruột của bênh nhi bị phù nề, các quai ruột vùng hạ sườn phải xẹp tạo thành khối dạng khối lồng, kích thước đo được trên máy khoảng 39x31mm, giữa các quai ruột có khoang dịch, kích thước khoang lớn nhất đo được gần 20mm. Ngay lập tức, Ths.BS Phạm Tuấn Anh đã mời BSCKII. Nguyễn Duy Tuấn – Trưởng khoa Ngoại Nhi hội chẩn ca bệnh. Sau khi thăm khám và dựa trên kết quả chụp Xquang ổ bụng, BSCKII. Nguyễn Duy Tuấn chẩn đoán bệnh nhi bị tắc ruột do dính, quyết định lập tức chuyển Khoa Ngoại Nhi và tiến hành phẫu thuật ngay cho bệnh nhi. 

Ngay trong buổi tối cùng ngày, ca phẫu thuật được thực hiện bởi ekip gồm BSCKII. Nguyễn Duy Tuấn – Trưởng Khoa Ngoại Nhi, Ths.BS Phạm Văn Yên – Khoa Ngoại Nhi cùng ekip gây mê. Sau hai giờ đồng hồ tập trung toàn lực, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công. Kết quả đúng như chẩn đoán của BSCKII. Nguyễn Duy Tuấn, một dây chằng lớn đã bó tất cả quai ruột, khiến ruột bị thắt nghẹn. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến dính và tắc hoàn toàn ruột. Bệnh nhi được gỡ dính cẩn thận các quai ruột và bảo toàn phần ruột. Đồng thời do bị thắt nghẹt lâu khiến ruột của bệnh nhi lưu thông không tốt, ekip đã tiến hành dồn bớt hơi lòng ruột, giúp lưu thông toàn bộ ruột cho bệnh nhi.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, ekip phẫu thuật phải đối mặt với thách thức mới. Do từng trải qua ca phẫu thuật thoát vị hoành bẩm sinh khi chỉ mới một ngày tuổi; cộng thêm thể trạng suy dinh dưỡng (bệnh nhi một tuổi nhưng chỉ nặng vỏn vẹn 8kg), trải qua ca phẫu thuật dài khiến tình trạng sức khoẻ của bệnh nhi rất yếu ớt. Nhận thấy tính nghiêm trọng của ca bệnh, BSCKII. Nguyễn Duy Tuấn đã liên hệ ngay với Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng để chuyển bệnh nhi sang điều trị. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tạm thời chưa thể tiếp nhận bệnh nhi. Bằng cái tâm của người thầy thuốc, BSCKII. Nguyễn Duy Tuấn quyết định bằng mọi giá phải giúp bệnh nhi vượt qua cơn nguy kịch. Ngay sau khi ca phẫu thuật kết thúc, các y bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức đã tận tâm tận lực hồi sức tích cực cho bệnh nhi. Với kinh nghiệm chuyên môn dày dạn, tinh thần tập trung cao độ theo dõi và chăm sóc cẩn thận, sát sao của các y bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức, sau hơn 9 giờ, tình trạng sức khoẻ bệnh nhi H đã có khởi sắc, các chỉ số tương đối ổn định. Không để lỡ giây phút nào, các bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức nhanh chóng mời BSCKII.Nguyễn Tuấn Tú – Giám đốc chuyên môn khối Nhi, BSCKII.Nguyễn Duy Tuấn – Trưởng khoa Ngoại Nhi và BSCKII. Phạm Văn Điệp – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp cùng hội chẩn ca bệnh. Sau khi cân nhắc kĩ lưỡng, các bác sĩ đã thống nhất chuyển bệnh nhi về Khoa Ngoại Nhi để theo dõi và chăm sóc vết mổ, đồng thời mời BSCKII.Phạm Văn Điệp – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp trực tiếp điều trị hồi sức cho bệnh nhi. Với hơn 30 năm kinh nghiệm điều trị hồi sức cấp cứu cho bệnh nhi và sự tâm huyết với nghề của BSCKII.Phạm Văn Điệp; cùng sự phối kết hợp của các chuyên khoa Ngoại Nhi, khoa Hồi sức cấp cứu – Sơ sinh, sau 8 ngày điều trị hồi sức tích cực, sức khoẻ bệnh nhi H đã hồi phục rõ rệt. Với tình hình sức khoẻ hiện tại của bệnh nhi H, BSCKII. Nguyễn Duy Tuấn vui mừng cho biết bé sẽ sớm được xuất viện, về ăn Tết với gia đình. Không giấu được xúc động, mẹ của bệnh nhi chia sẻ: “Không gì có thể diễn tả được cảm xúc của tôi lúc này. Nếu không nhờ các y bác sĩ tận tâm cứu chữa, có lẽ tôi đã không được ngồi đây ôm cháu, ngắm nhìn nụ cười của cháu nữa. Cảm ơn các y bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng rất nhiều.”

Nụ cười hạnh phúc của mẹ bệnh nhi H

BSCKII.Nguyễn Duy Tuấn cũng cho biết: “Đối với ca bệnh nặng và phức tạp như của bệnh nhi H, kết quả có được ngày hôm nay có thể nói là một thành công trọn vẹn đối với tập thể y bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng. Là những người thầy thuốc, mỗi khi đối mặt với những ca bệnh khó, đặc biệt là Nhi khoa, suy nghĩ đầu tiên của chúng tôi luôn là “dù chỉ còn một tia hy vọng cũng kiên quyết không bỏ cuộc”. Chứng kiến các bệnh nhi nguy kịch, dần dần hồi phục, hoạt bát chơi đùa và nụ cười hạnh phúc của cha mẹ, người nhà các bé có lẽ chính là món quà tinh thần to lớn, hạnh phúc nhất trong những năm tháng làm nghề. Thành công này chính là kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý và tinh thần quyết liệt đến cùng vì sức khoẻ và tính mạng bệnh nhân của các y bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng.”

Tắc ruột ở trẻ là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tắc ruột. Trong đó nguyên nhân chính là do bã thức ăn. Ngoài ra, khi ruột bị nút, bị bít lại do sự chèn ép từ ngoài ruột như dây chằng, khối u hoặc do dị vật như: giun, sỏi mật, khối u sùi trong lòng ruột, nút phân su,… cũng gây nên tình trạng tắc ruột. Tắc ruột rất khó chẩn đoán đúng nguyên nhân trước mổ, nếu chậm điều trị có thể gây nhiều biến chứng như mất nước và điện giải do nôn, hạ huyết áp, trụy mạch sớm. Qua trường hợp của bệnh nhi H, BSCKII.Nguyễn Duy Tuấn khuyến cáo cha mẹ khi thấy trẻ quấy khóc, có dấu hiệu nôn, trớ nhiều sau khi ăn hoặc nôn ra dịch xanh, vàng kèm theo chướng bụng hoặc các dấu hiệu bất thường khác nên nhanh chóng đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh để xảy ra các tình trạng đáng tiếc.

Leave a reply