Sáng nay, Thường trực Thành uỷ đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với trí thức khoa học và công nghệ thành phố.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 300 trí thức đại diện hơn 50.000 trí thức khoa học và công nghệ thành phố. Tại hội nghị, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đã đề xuất đóng góp ý kiến với các đại biểu Trung ương và lãnh đạo thành phố vào sự phát triển của Thành phố Hải Phòng.

TS.BSCK II. Phạm Thu Xanh- Giám đốc điều hành Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng đã tham vấn 5 ý kiến tại hội nghị

Là một cán bộ công tác lâu năm và trải qua nhiều vị trí trong ngành y tế, là Uỷ viên Ban chấp hành Hội nữ trí thức thành phố được chứng kiến những thăng trầm của ngành, đặc biệt trong giai đoạn y tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19…. dõi theo sự phát triển của y tế Hải Phòng, TS.BSCK II. Phạm Thu Xanh- Giám đốc điều hành Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng đã tham vấn 5 ý kiến tại hội nghị để lãnh đạo thành phố xem xét:

Thành phố cần lựa chọn giải quyết các vấn đề theo thứ tự ưu tiên để tối ưu hóa nguồn lực cho phát triển bền vững ngành y tế:

– Về đào tạo nhân lực: Cần xác định rõ mục tiêu, chiến lược dài hạn của y tế thành phố, tập trung phân tích sâu năng lực của từng mảng để có kế hoạch đào tạo tập trung, không dàn trải.

+ Đối với mảng khám chữa bệnh dựa trên 3 cấp độ (tuyến cơ sở, tuyến cơ bản và tuyến chuyên sâu): Phân tích, đánh giá lỗ hổng trong từng phân khúc để xác định nhu cầu, loại hình đào tạo cho từng nhóm đối tượng gắn với việc sử dụng.
+ Với y tế cơ sở, số trạm y tế có bác sĩ chiếm 83,4% vì vậy cần ưu tiên đào tạo thêm 36 bác sĩ để phủ kín bác sĩ y tế cơ sở cho 217 trạm, đảm đương công tác khám chữa bệnh ban đầu, phòng chống dịch và thực hiện các chương trình y tế có mục tiêu.
+ Với tuyến y tế cơ bản (các bệnh viện tuyến quận huyện), cần ưu tiên đào tạo và đãi ngộ nhân lực cho một số bệnh viện tuyến huyện xa trung tâm thành phố đủ năng lực để chủ động cấp cứu bệnh nhân tại chỗ và làm chủ các kỹ thuật cơ bản để giảm tải cho các bệnh viện tuyến chuyên sâu.
+ Với tuyến chuyên sâu (tuyến thành phố) không nặng về văn bằng mà đào tạo theo các mũi nhọn, gắn với sử dụng để khẳng định vị thế của y tế Hải Phòng như các phẫu thuật tim hở, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, động mạch chủ; nghiên cứu và điều trị các bệnh lý về gen, y học di truyền, tế bào gốc, ghép gan, sử dụng công nghệ Robot trong phẫu thuật khó để tăng tính chính xác, giảm thời gian phẫu thuật, giảm đau và nhanh phục hồi…
+ Hàng năm cần lượng hóa việc đào tạo bằng cách định kỳ đánh giá số lượng, chất lượng các loại hình đào tạo, các kỹ thuật đã làm chủ được sau khi đào tạo, các kỹ thuật mới được triển khai và việc phát triển chuyên môn của cơ sở y tế đó.

– Về cơ sở hạ tầng:

+ Đối với tuyến cơ sở: ưu tiên đầu tư nâng cấp cho trạm y tế xã, cần rà soát, phân tích thực trạng, căn cứ vào quy mô dân số, khoảng cách từ trạm đến các bệnh viện huyện, điều kiện kinh tế xã hội của khu vực đó và tình trạng sức khỏe cộng đồng ở đó để đề xuất quy mô đầu tư cho phù hợp, tránh tình trạng đầu tư cào bằng sẽ lãng phí nguồn lực.
+ Đối với tuyến cơ bản, tập trung nâng cấp các bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo và các huyện đông dân, xa trung tâm thành phố để giảm tải cho tuyến thành phố.
+ Đối với tuyến chuyên sâu: thành phố cần quan tâm tiến độ nâng cấp bệnh viện Kiến An là bệnh viện tuyến chuyên sâu của khu vực phía nam thành phố chưa tự chủ nhóm I; thành phố cân nhắc việc giao tự chủ cho các bệnh viện tuyến huyện.
+ Thành phố cần ưu tiên dành kinh phí từ nguồn ngân sách để đầu tư 01 bệnh viện chuyên ngành tim mạch để khám, phát hiện và can thiệp kịp thời cho bệnh nhân và khẳng định tầm vóc y tế của Hải Phòng đối với lĩnh vực khó.

Đối với xã hội hoá Y tế:

– Đối với đầu tư Bệnh viện U bướu: việc ra đời 1 bệnh viện u bướu hiện đại, áp dụng các phương pháp tiên tiến vào sàng lọc, chẩn đoán sớm và điều trị là rất cần thiết.
– Đối với đầu tư cơ sở dưỡng lão: Hải Phòng cần tạo cơ chế và kêu gọi đầu tư 01 cơ sở dưỡng lão có nhiều phân khúc đáp ứng cho các đối tượng khác nhau, trong đó có phân khúc cao cấp 5 sao hiện đại, chăm sóc y tế dịch vụ cao, đội ngũ chuyên nghiệp, đầy đủ tiện ích vui chơi, thể dục, giải trí và đầu tư phân khúc phổ thông để đáp ứng với người lao động có mức sống trung bình.

Đối với công tác chuyển đổi số trong Y tế:

– Thành phố sớm phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ số hiện đại cho ngành y tế như bệnh án điện tử, kết nối dữ liệu hội chẩn, đào tạo chuyên, trước mắt giai đoạn 1 tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai bệnh án điện tử cho các bệnh viện lớn tuyến thành phố là bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Phụ sản, Trẻ em, Kiến An, Bệnh viện Mắt sau đó đánh giá rút kinh nghiệm và triển khai giai đoạn 2 cho bệnh viện tuyến huyện đủ năng lực và đông bệnh nhân như Thủy Nguyên, An Dương, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, An Lão… triển khai đồng loạt thanh toán viện phí không dùng tiền mặt ở tất cả các bệnh.

Đối với công tác dân số:

– Dân số của Hải Phòng tăng chậm, số sinh có xu hướng giảm, việc tăng dân số không tương xứng với tốc độ phát triển của thành phố. Thành phố cần xem xét các giải pháp tăng dân số cơ học để tạo thị trường lao động tiềm năng như: tạo việc làm, phát triển các khu vực dân cư đa dạng về loại hình và giá cả; có chính sách hỗ trợ cư dân mới như giá nhà ở hợp lý, hỗ trợ tài chính cho việc mua nhà và các chính sách hỗ trợ khác, tăng cường các dịch vụ và song song thực hiện các giải pháp tăng dân số tự nhiên duy trì đạt và vượt mức sinh thay thế.

Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm:

– Cần có giải pháp và các chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp đầu tư hiệu qủa vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, khai thác hiệu qủa diện tích đất nông nghiệp và tạo nguồn thực phẩm sạch cho nhân dân ngay tại Hải Phòng.

Với sự quan tâm đặc biệt của thành phố dành cho ngành y tế, bằng những chủ trương lớn, những chính sách cụ thể và sự chỉ đạo sát sao, TS.BSCK II. Phạm Thu Xanh tin tưởng rằng ngành y tế Hải Phòng sẽ bứt phá và xứng đáng với vị thế của thành phố.

Leave a reply