Nếu dị vật mũi là một cấp cứu trong chuyên ngành Tai Mũi Họng thì dị vật viên pin cúc ở mũi là một tối cấp cứu. Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự gia tăng của thiết bị điện tử có sử dụng pin cúc (pin cúc áo) thì nguy cơ trẻ em nhét pin vào mũi khi cầm chơi hay nuốt phải viên pin vào đường tiêu hóa ngày càng gia tăng, nhất là ở trẻ từ 1- 3 tuổi. Khoa Liên chuyên khoa- Tai Mũi Họng – Trung tâm Nhi khoa quốc tế Hải Phòng đã tiếp nhận, thăm khám và xử trí thành công nhiều bệnh nhi bị dị vật viên pin cúc ở mũi.

Vào khoảng 10 giờ ngày 13/11/2023, Phòng khám Tai Mũi Họng – Trung tâm Nhi khoa Quốc tế tiếp nhận bệnh nhi V.H.Q, 6 tuổi trong tình trạng trẻ đau mũi phải, chảy dịch mũi màu đen. Qua lời kể của gia đình, trước vào viện 1 ngày, trẻ cầm viên pin cúc chơi, sau đó gia đình phát hiện trẻ đau mũi, chảy dịch mũi màu đen. Bệnh nhi ngay lập tức được các bác sĩ thăm khám nội soi mũi phát hiện trẻ có 1 dị vật pin cúc ở hốc mũi phải, dị vật đã nhanh chóng được các bác sĩ lấy ra, dị vật đã gây cháy đen, hoại tử toàn bộ niêm mạc mũi ở vị trí dị vật nằm. Sau khi lấy dị vật và xử lý vùng hoại tử, bệnh nhi đã ổn định và được ra viện.

 

Dị vật pin cúc áo mũi là tình trạng cấp cứu tối cấp trong chuyên ngành Tai Mũi Họng vì có thể gây tổn thương mũi rất nhanh, mạnh và có thể để lại di chứng nặng nề sau đó. Bởi khác với các dị vật vô cơ khác, khi viên pin mắc lại ở mũi nó sẽ gây ra một loạt các biến chứng như loét, hoại tử dần dần niêm mạc, sụn vách ngăn mũi dẫn tới dày dính tổ chức làm hẹp, tịt hốc mũi gây khó thở, đôi khi hoại tử gây thủng vách ngăn mũi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của mũi. Cơ chế gây nên tổn thương nhanh và nặng của pin cúc áo là do khi viên pin nằm lại ở mũi nó vẫn còn hoạt động, và có hiện tượng kiềm hóa xảy ra ở cực âm dẫn tới bỏng hóa chất kiềm tại mũi, đồng thời mũi còn bị tổn thương thêm do nhiễm độc kim loại và các hóa chất khác rò rỉ ra từ viên pin. Mức độ tổn thương mũi phụ thuộc vào kích thước dị vật, độ mới của của dị vật và thời gian gắp được dị vật. Đặc biệt, thời gian dị vật viên pin lưu lại chỉ từ 30 phút trở lên đã có thể gây ra tổn thương niêm mạc tại vị trí dị vật nằm.

Vì vậy, việc phòng tránh tích cực dị vật viên pin cho trẻ nhỏ ở cộng đồng là rất quan trọng. Trong sinh hoạt hàng ngày, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, nhân viên bảo mẫu phải hết sức lưu ý, kiểm soát thật tốt không để trẻ cầm chơi, nhét viên pin vào mũi, ngậm, nuốt viên pin cúc hay các thiết bị điện tử có sử dụng pin. Khi phát hiện nhét dị vật pin vào mũi hay trẻ nuốt viên pin cần nhanh chóng đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng gần nhất để được xử trí sớm nhất có thể, tránh các di chứng nặng nề đáng tiếc về sau.

Quý phụ huynh có nhu cầu khám Tai-Mũi-Họng vui lòng đăng ký khám tại Phòng khám Tai Mũi Họng (phòng 218 – Tầng 2) Trung tâm Nhi khoa Quốc tế tại 124 Nguyễn Đức Cảnh, Lê Chân, Hải Phòng. Mọi thắc mắc cần tư vấn vui lòng liên hệ HOTLINE: 0225 385 9999 để được hỗ trợ nhanh nhất.

Leave a reply