Bệnh nhi Đ.N.D ở Thủy Nguyên, Hải Phòng mang dị dạng sơ sinh hiếm gặp: Thận niệu quản đôi hai bên. Cụ thể, Bé D. có tổng cộng bốn thận và bốn niệu quản, trong khi người bình thường chỉ có hai thận và hai niệu quản.
Theo BSCKI. Hoàng Văn Quỳnh – chuyên khoa ngoại tiết niệu: Dị dạng thận khá hiếm gặp với tỷ xuất 0,2 – 0,4 %. Nguyên nhân do phôi thai có hai mầm niệu quản mỗi bên hoặc một mầm niệu quản mà bị phân đôi. Bệnh nhi nữ nhiều gấp hai lần nam, bên phải bằng bên trái. Bệnh thường biểu hiện bằng nhiễm trùng tiểu, tiểu són, sa nang niệu quản ở nữ ra lỗ tiểu, 60% phát hiện trước sinh nhờ siêu âm thai.
Được biết bệnh nhi D đã được bác sĩ khoa Ngoại nhi phát hiện và chẩn đoán dị tật thận niệu quản đôi hai bên từ khi mới hơn một tháng tuổi. Hai thận và niệu quản bên phải của bệnh nhi phân đôi không hoàn toàn có dạng hình chữ Y, hoạt động chức năng trong giới hạn bình thường. Hai thận và niệu quản bên trái nhân đôi toàn bộ, nhưng đầu dưới của niệu quản cực trên thận đôi bên trái bít tắc không thông vào bàng quang mà tạo nên 1 nang niệu quản lồi vào bàng quang. Với trường hợp của bệnh nhi, phẫu thuật là phương pháp tối ưu. Tuy nhiên lúc đó do bệnh nhi còn quá nhỏ nên bác sĩ đã tư vấn gia đình đợi thêm một thời gian nữa sẽ tiến hành phẫu thuật. Tới khi bệnh nhi 3 tháng tuổi, được sự chỉ đạo của TS.BSCKII Phạm Thu Xanh – Giám đốc điều hành Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng, ekip khoa Ngoại nhi và Gây mê đã thực hiện ca phẫu thuật bảo tồn phần đơn vị thận lành cho bệnh nhi D.
Hiện tại, sức khoẻ bệnh nhi ổn định và được xuất viện.
Các phụ huynh cần lưu ý: từ tuần thứ 8 của thai kỳ, các mầm nguyên thủy của cơ quan sinh dục – tiết niệu thành hình. Các thai phụ nên tuân thủ đúng việc khám thai định kỳ tại những cơ sở y tế uy tín để có thể phát hiện bệnh sớm và có hướng điều trị sau sinh phù hợp. Ngoài ra, để phòng ngừa dị tật tiết niệu cho con, các thai phụ cần giữ sức khỏe tốt, ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc và thư giãn tinh thần; cẩn trọng với mọi loại thuốc và hóa chất trong trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Leave a reply