Khoảng thời gian mùa lạnh, thời tiết hanh khô, bụi mịn PM2.5 dễ dàng khuếch tán trong không khí do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết chênh lệch ngày – đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt… nguy cơ ảnh hướng sức khỏe cộng đồng.

Chuyên gia Nhi khoa Bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng chia sẻ, bụi mịn hấp thụ qua hệ hô hấp, có thể xâm nhập vào phế nang phổi và đi vào máu. Đặc biệt với trẻ em, trẻ sơ sinh là những đối tượng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng xấu nhất đến sức khỏe khi tiếp xúc với bụi PM2.5.

Bụi mịn có khả năng xâm nhập sâu vào cơ thể. Do đó để phòng ảnh hưởng của bụi mịn, cần hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc.

– Hạn chế ra ngoài vào các khung giờ cao điểm, hạn chế di chuyển vào khu vực có thi công, lưu lượng giao thông đông đúc.

– Tránh mở cửa sổ, cửa ra vào khung giờ cao điểm 7- 8h và 18-19h cũng là thời điểm bụi mịn hoạt động mạnh, không khí bị ô nhiễm nặng.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho biết, việc đóng kín cửa làm cản trở không khí lưu thông trong nhà, thuận lợi cho việc vi sinh vật gây hại lưu lại lâu hơn trong không khí, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Các gia đình có thể mở cửa sổ, cửa ra vào ngoài giờ cao điểm, khi có chất lượng không khí tốt hơn. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống cũng giúp hạn chế bụi mịn.

Với trẻ em có sức đề kháng yếu, phụ huynh cần ghi nhớ đeo khẩu trang cho trẻ mỗi khi ra đường. Khi phát hiện dấu hiệu sức khoẻ đường hô hấp bất thường, cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và điều trị. Không tự ý dùng thuốc tại nhà, khám bệnh và điều trị theo đúng phác đồ được bác sĩ chỉ định.

 

Leave a reply